Phong thủy online:

Home » , , , , » Sự khác biệt giữa "Nghiệp" và "Số mệnh"?

Sự khác biệt giữa "Nghiệp" và "Số mệnh"?

[Phong thuỷ thưc nghiệm] Chủ đề này chúng tôi được rất nhiều bạn hỏi nhưng vì không thực sự am hiểu tường tận, nên không thể giải thích cặn kẽ như các bậc chân tu, hôm nay chúng tôi tìm được bài viết giải thích tương đối căn kẽ, và có thể giải đáp một phần nào thắc mắc của các bạn, nay chia sẻ đến tất cả các bạn cùng tham khảo.

HỎI: Quan điểm về Nghiệp của Phật giáo có sự khác biệt như thế nào so với quan điểm Số mệnh của Nho giáo?

ĐÁP: Đời sống của con người vốn rất đa dạng, muôn màu và vô cùng sai biệt. Mỗi cá nhân có một cấu trúc tâm sinh lý và hoàn cảnh, điều kiện sống hoàn toàn khác biệt nhau.

Cùng là con người, nhưng có sự bất đồng rõ rệt giữa giàu nghèo, xấu đẹp, khoẻ mạnh và đau yếu, trường thọ và chết yểu, thành công và thất bại, hạnh phúc và khổ đau… Để trả lời câu hỏi nhân sinh vĩ đại này, các tôn giáo và triết học đều có những kiến giải theo quan niệm của riêng mình. Phật giáo giải thích căn nguyên của sự dị biệt đó bằng thuyết "Nghiệp" hoàn toàn khác biệt với quan niệm "Số mệnh" của Nho giáo. 

Số mệnh hay số phận là quan niệm của các trường phái triết học như Túc mệnh luận, Định mệnh luận và Thiên mệnh luận của Nho giáo. 

Túc mệnh luận cho rằng, mỗi con người đều có một số mệnh do quá khứ an bài và xếp đặt. “Nhất động nhất tác giai do tiền định”, mỗi cử chỉ, mỗi động tác đều được quyết định trước ở quá khứ. Mọi cố gắng hay nỗ lực của con người đều vô ích. 

Định mệnh luận có cùng quan niệm như Túc mệnh luận nhưng cường điệu hơn tính chất bất khả kháng của số mệnh. Số mệnh là quyết định, không thể thay đổi, phủ nhận hoàn toàn mọi nỗ lực cá nhân. 

Thiên mệnh luận của Nho giáo quan niệm Thiên mệnh có nhiều nghĩa. Thiên mệnh là Thiên đạo, tức đạo Trời. Ông Trời quy định cho mỗi cá nhân một số mệnh. Con người không thể cãi lại mệnh Trời, “ Trời kêu ai người nấy dạ”. Mọi cố gắng của con người không ngoài ý Trời. Nếu hiểu Thiên mệnh theo cách này thì Thiên mệnh luận gần với Thần ý luận của các tôn giáo sùng kính Thượng đế. Tuy nhiên, Thiên mệnh hay Thiên đạo còn được hiểu là luật tắc của tự nhiên (Khổng Tử ), là nguyên lý vận hành và biến hoá của tự nhiên (Chu Hy), thì quan niệm này không phải Số mệnh luận. 

Như vậy, số mệnh hay số phận dù theo Túc mệnh luận, Định mệnh luận hoặc Thiên mệnh luận đều có chung tính chất tiêu cực, thụ động, cứng nhắc và triệt tiêu mọi nỗ lực cải tạo, hướng thiện của con người. Con người đã có một số mệnh, được an bài, định đoạt ở quá khứ hoặc bị quyết định bởi ý chí của một đấng siêu nhiên. Khi đã an phận vào số phận, con người xuôi tay cho số phận đẩy đưa, phó mặc cho số mệnh quyết định. 

Phật giáo không chủ trương và không chấp nhận số mệnh. Con người hiện hữu và tồn tại với các đặc tính khác nhau là kết quả của Nghiệp được tạo tác bởi chính họ trong hiện tại và quá khứ. “Con người là chủ nhân của Nghiệp, là kẻ thừa tự Nghiệp…” ( Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt – Trung Bộ III ). 


Nghiệp là hành động có tác ý, hay hành động phát sinh từ tâm được thể hiện qua hành động (Thân nghiệp), ngôn ngữ (Khẩu nghiệp) và tư duy (Ý nghiệp). Nghiệp lực là sức mạnh của Nghiệp, là động lực thúc đẩy, dẫn dắt để hình thành một thân phận chúng sanh. Nghiệp do mình tạo ra rồi trở lại chi phối chính mình. 

Nghiệp có nhiều loại, mỗi loại có một tính chất và công năng khác nhau. Hai loại Nghiệp chính thường được đề cập là Dẫn nghiệp và Mãn nghiệp. Dẫn nghiệp là Nghiệp do con người tạo ra trong đời sống hiện tại hay quá khứ thông qua thân, khẩu và ý hoặc thiện hoặc ác, để rồi chính Nghiệp này dẫn dắt con người ấy sanh vào một trong sáu nẻo của Lục đạo ( Trời, Người, A tu la, Súc sanh, Ngạ quỷ và Địa ngục ). Phạm tội Ngũ nghịch thì bị đoạ vào A tỳ địa ngục hoặc tu tập Thập thiện thì sanh vào cõi Trời hay tu tập Ngũ giới sẽ sanh vào cõi Người… Tuy nhiên, cùng là người nhưng có người khỏe mạnh, người lại ốm đau; người đẹp, kẻ xấu; người này sang trọng, người kia lại nghèo hèn vv… tất cả những sai biệt ấy là quả báo của Mãn nghiệp. 

Con người tạo ra Nghiệp lại không trốn thoát những Nghiệp do mình tạo ra. Nhưng Nghiệp không phải là Định mệnh hay Số mệnh. Điểm khác nhau cơ bản giữa Nghiệp và Số mệnh ở chỗ, Nghiệp do chính con người tác tạo, có tính chất duyên sinh, bất định tính và vô ngã nên Nghiệp có thể chuyển hoá được. Do đó, con người có thể thay đổi, chuyển hoá Nghiệp báo của chính mình từ xấu thành tốt, từ ác thành thiện hoặc ngược lại. Năng lực chuyển hoá Mãn nghiệp trở thành tốt hơn hoặc xấu đi được gọi là Năng tiêu nghiệp. Tác dụng của Năng tiêu nghiệp trong đời sống hiện tại rất lớn. Một người có tư chất thông minh và cơ thể khỏe mạnh là kết quả của Mãn nghiệp. Thế nhưng, người ấy không lo học tập, rèn luyện thân thể lại còn sống buông thả, đắm say tửu sắc, ma tuý. Kết quả từ chỗ khỏe mạnh anh ta trở nên ốm yếu, tiều tụy; từ chỗ thông minh thành ra ngu đần, thác loạn. Năng tiêu nghiệp đã làm tiêu hủy Nghiệp tốt của người này. Ngược lại, một người với quả báo Mãn nghiệp có cơ thể ốm yếu, tật bệnh nhưng nhờ biết giữ gìn sức khỏe, luyện tập dưỡng sinh, ăn uống điều độ, làm việc giờ giấc, người này vẫn khỏe mạnh, chiến thắng bệnh tật, thậm chí còn trường thọ. Bác sỹ Nguyễn Khắc Viện chỉ có một phần ba lá phổi màvẫn làm việc bình thường, trường thọ (80 tuổi) là một điển hình của Năng tiêu nghiệp theo hướng tích cực. 

Đối với Dẫn nghiệp, một loại Nghiệp có cường độ mạnh trong việc quyết định hướng tái sanh nhưng vẫn chuyển hoá được. Trong sách Đồng Mông Chỉ Quán, ngài Trí Giả đại sư có kể chuyện một Sa Di yểu mạng nhưng nhờ cứu sống một đàn kiến nên được chuyển Nghiệp. Đáng lẽ, vị Sa Di này phải chết trong vòng một tuần lễ lại được sống an ổn, trường thọ. Năng lực chi phối Dẫn nghiệp là Năng huỷ nghiệp. Một người thọ mạng vẫn còn, nghiệp lực của Dẫn nghiệp (Tái sanh nghiệp) vẫn còn nhưng vì người này trong đời trước hoặc ngay trong đời này đã tạo ra những Nghiệp cực mạnh, có khả năng tiêu hủy đời sống của họ, khiến họ có thể mất mạng như thường. Đó là những trường hợp đột tử, bất đắc kỳ tử, tai nạn. Đây không phải là số mệnh, định mệnh hay tới số, tận số. Phật giáo gọi là Nghiệp, tác động của Năng hủy nghiệp đã tiêu hủy một Dẫn nghiệp được tạo ra trước đó, chấm dứt một đời sống. Năng hủy nghiệp trong trường hợp này giống như cơn gió thổi tắt đèn trong khi đèn vẫn còn dầu và bấc. 

Tóm lại, Nghiệp là một phạm trù triết học lớn trong hệ thống giáo lý Phật giáo không thể phân tích hết trong mục Hỏi – Đáp này. Nghiệp theo Phật giáo là một cơ chế vận hành của đời sống được khám phá bởi tuệ giác của Đức Phật chứ không phải một tín ngưỡng vu vơ, siêu hình và hoàn toàn khác biệt với quan niệm Số mệnh của Nho giáo. Nghiệp do con người tạo ra trong quá khứ và từng phút từng giây trong hiện tại bằng ba con đường thân, khẩu và ý rồi trở lại chi phối chính người ấy. Nghiệp tuy có năng lực mạnh mẽ, chi phối và quyết dịnh đời sống của chúng sanh trong hiện tại và tương lai nhưng Nghiệp không có định tính, vô ngã. Nghiệp có thể chuyển hoá và thay đổi được thông qua nỗ lực tu tập của cá nhân, chứ không cứng nhắc, tiêu cực như Số mệnh. Thuyết Nghiệp rất tích cực, khoa học và công bằng. Nó tôn vinh trách nhiệm và giá trị con người, thúc đẩy con người hướng thiện, sống đạo đức, theo lẽ phải. Thuyết Nghiệp khích lệ con người hành động và tiến bộ, hoàn toàn vắng mặt bóng dáng tiêu cực, yếm thế. Đó là nét đặc sắc của giáo lý Nghiệp và là điểm khác biệt cơ bản nhất của quan niệm Nghiệp và Số mệnh

Chia sẻ cho bạn :
Hot!

0 nhận xét:

Speak up your mind

Tell us what you're thinking... !

Chúng tôi có thể giúp gì cho bạn?

Nhà tài trợ

 
TOP